Ngoài việc thường xuyên bảo trì bảo dưỡng, các gia đình và nhà máy sản xuất cũng cần chú ý đến việc bảo vệ máy biến áp trong quá trình lắp đặt và vận hành hàng ngày. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để bảo vệ máy biến áp tốt nhất.
Mục đích bảo vệ máy biến áp
Máy biến áp là một trong những thiết bị có vai trò quan trọng trong hệ thống điện, có nhiệm vụ truyền tải và phân phối điện năng. Do đó, việc nghiên cứu các tình trạng làm việc không bình thường, các trục trặc, hỏng hóc, sự cố,… của máy biến áp là vô cùng cần thiết.
Để bảo vệ máy biến áp làm việc an toàn cần phải dự tính trước và phòng tránh đầy đủ những hư hỏng có thể xảy ra bên trong thiết bị và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình vận hành bình thường của máy. Từ đó đề ra các phương án bảo vệ tốt nhất, loại trừ những hư hỏng và ngăn chặn các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự làm việc của máy biến áp.
Các sự cố bên trong có thể xảy ra với máy biến áp
Sự cố bên trong có thể xảy ra với máy biến áp được chia làm hai loại là sự cố gián tiếp và sự cố trực tiếp. Sự cố trực tiếp do hư hỏng cách điện, ngắn mạch các cuộn dây dẫn tới các thông số điện bị thay đổi đột ngột. Trong khi đó, sự cố gián tiếp tuy diễn ra từ từ nhưng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ trở thành sự cố trực tiếp như áp suất dầu tăng cao, nhiệt độ bên trong máy biến áp quá cao,…
Vì vậy, khi xảy ra sự cố trực tiếp cần nhanh chóng cách ly, bảo vệ máy biến áp bị hư hỏng ra khỏi hệ thống điện để tránh làm ảnh hưởng tới các thiết bị khác. Khi xảy ra sự cố gián tiếp, có thể không cần phải cách ly máy biến áp nhưng sự cố vẫn cần được phát hiện và thông báo kịp thời tới nhân viên vận hành để xử lý.
Một số sự cố thường gặp bên trong máy biến áp gồm ngắn mạch trong máy biến áp 1 pha, ngắn mạch giữa các pha trong máy biến áp 3 pha, ngắn mạch giữa các vòng dây trong cùng 1 pha, bộ phận điều chỉnh đầu phân áp bị hỏng, sứ dẫn bị hỏng, thùng dầu bị hỏng, dòng điện từ hóa tăng vọt trong trường hợp đóng máy biến áp không tải,…
Các sự cố bên ngoài có thể xảy ra với máy biến áp
Ngoài các sự cố bên trong, máy biến áp cũng có thể bị trục trặc, hỏng hóc do các tác động từ bên ngoài như quá điện áp do ngắn mạch 1 pha trong hệ thống điện, mức dầu bị giảm do nhiệt độ không khí quanh thiết bị giảm đột ngột,…
Các phương pháp thường dùng để bảo vệ máy biến áp
– Cầu chì: Máy biến áp phân phối nhỏ thường chỉ được bảo vệ bằng cầu chì. Trong trường hợp không dùng máy cắt, cầu chì có nhiệm vụ cắt sự cố tự động. Cầu chì giúp bảo vệ quá dòng điện và có khả năng chịu được dòng điện làm việc cực đại của máy biến áp.
– Rơle quá dòng điện: Với máy biến áp có công suất lớn, người ta thường trang bị cả máy cắt, bảo vệ quá dòng điện đóng vai trò làm bảo vệ chính, máy biến áp có công suất lớn hơn bảo vệ quá dòng có vai trò làm bảo vệ dự trữ. Để tăng cường độ nhạy cho quá trình bảo vệ máy biến áp, người ta thường sử dụng bảo vệ quá dòng có kiểm tra áp.
Ngoài ra, đôi khi người ta còn sử dụng thêm cả bảo vệ cắt nhanh để tạo thành bảo vệ quá dòng có 2 cấp. Thông thường, máy biến áp 2 cuộn dây sẽ dùng 1 bộ bảo vệ lắp đặt phía nguồn cung cấp, máy biến áp nhiều cuộn dây mỗi phía sẽ đặt 1 bộ bảo vệ.